Văn hóa-xã hội

Làng nghề làm giấy Dó - phường Bưởi 

Nghề làm giấy dó phường Bưởi

 Nghề giấy ở phường Bưởi đã xuất hiện từ rất sớm. Tương truyền ngay từ thế kỷ thứ 8, nghề giấy đã xuất hiện ở Cầu Giấy (vùng phía Tây kinh thành), sau đó lan truyền đến các địa phương vùng ven sông Tô Lịch như An Thái (tục gọi làng Giấy), Hồ Khẩu, Đông Xã, Nghĩa Đô. Nhưng tập trung và phát nhất là nghề làm giấy ở An Thái. Sự phát triển của nghề giấy được giải thích bằng một truyền thuyết: Ông tổ nghề giấy không biết từ nơi nào tới, ban đầu ông đến làng Thượng Yên Quyết dạy cho dân làm giấy. Nhưng ở làng này còn có người cư xử không phải với ông, khiến ông không vừa lòng, nên ông chỉ dạy cho dân làng ở đây cách dùng những đầu mẩu vỏ dó làm ra giấy thô. Sau đó ông sang Hồ Khẩu dạy cho dân làm giấy bản, sang Đông Xã dạy cho dân làm giấy Quì, một loại giấy vừa mỏng vừa dai, sau đó ông sang Yên Thái dạy cho dân làng cách làm giấy Lệnh để triều đình viết lệnh chỉ. Ông sang Nghĩa Đô dạy cho dân họ Lại cách làm giấy để viết bằng sắc. Từ những câu truyện truyền miệng đã phản ánh một thực tế là do nhu cầu cải tiến kỹ thuật làm giấy mà mỗi làng có sự tiếp thu và cải tiến kỹ thuật sản xuất riêng. Đến thế kỷ 15, nghề giấy được phát triển ở trình độ cao. Nguyễn Trãi khi viết về Thượng Kinh đã ghi “Phường An Thái làm giấy”. Còn sách “Thượng Kinh phong chí” (một tác phẩm được viết vào thế kỷ 17-18) đã chép “Phường an Thái làm giấy bền dai mà trắng bóng, hoặc tờ một hoặc tờ đôi, hoặc dài hoặc ngắn đều có mẫu nhất định, đem giấy ấy để viết dù có cất kín trong hòm tủ đến bao nhiêu năm vẫn không bị mối mọt”.

Kỹ thuật sản xuất giấy được thực hiện theo một qui trình công phu:

1.     Thu mua nguyên liệu và sơ chế:

Cây dó được chặt từ các miền rừng Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ chuyển theo dòng sông Hồng, sông Lô về Hà Nội (Vì từ thế kỷ trước Hồ Tây và sông Tô Lịch  ăn thông với sông Hồng). Cây dó chỉ mua vào tháng 8 đến tháng 10 âm lịch vì đây là thời gian vỏ dó tự tróc ra nên mới thu hoạch được. Dó mang về, lột tiếp lớp vỏ đen, lấy lượt vỏ trắng ngâm nước vôi 24 tiếng mùa hè, 36 tiếng mùa đông. Phụ nữ và các bé gái tuốt dó nguyên liệu.

2.     Nấu dó:

Sau khi ngâm, dó được vớt ra, bó thành từng mớ, rồi lại được tiếp tục ngâm vào các bể với nước vôi đặc từ 3 - 5 giờ. Sau đó được chuyển vào vạc nấu cách thủy 15 - 20 tiếng. Lò nấu dó được đắp bằng đất cao tới 5m, miệng lò đặt chiếc vạc lớn, đường kính 2m.  Người làng Yên Thái thường đắp lò nấu dó ngay bên bờ sông Tô Lịch để tiện việc ngâm, dặm, đãi vỏ dó.

  - Khi vỏ dó chín, người ta vớt ra đem ngâm cho hết vôi, nhặt bỏ từng mấu nhỏ còn sót lại. Sau đó đem đi rửa, rồi cho vào bể ngâm thêm 15-20 ngày. Sau nhiều lần ngâm, nấu cuối cùng được một loại xơ trắng muốt, đấy chính là chất liệu tinh khiết để làm ra giấy. 

3. Giã dó

- Dó được cho vào cối lớn, giã nhuyễn bằng chày tay.Công việc giã dó rất vất vả, chỉ đàn ông mới đảm đương nổi. Sau khi giã, bột dó sẽ được nắm chặt và được đem đãi rửa sạch thêm một lần nữa.

4. Hòa bột giấy

  Tiếp theo, bột quánh được thả vào tàu seo. Tàu seo là một bể nước có pha sẵn loại keo bằng nhựa cây mò (có tác dụng ngăn cho các tờ giấy không dính vào nhau). Vữa dó thả vào đây sẽ thành một thứ nước sền sệt. Độ lỏng hay đặc của hỗn hợp này sẽ được pha tùy theo loại giấy.

6. Seo giấy:

Người thợ tráng bột giấy dó lên một khuôn có mặt lưới làm bằng tre “Gọi là liềm seo”. Liềm được làm bằng cật nứa ngâm, chẻ nhỏ như sợi chỉ, mỗi nan dài 60 - 70 p. Liềm seo được chao đi chao lại trong bể bột dó để một lớp bột dó dính trên liềm. Sau đó người ta nhấc liềm seo ra khỏi bể và lắc sang phải rồi sang trái. Lần lắc cuối cùng này vừa giúp làm ráo nước, vừa giúp bột dó phân tán đều. Khi đó một lớp bột dó kết lại trên mành. Để kết thúc công đoạn này người ta đặt liềm seo lên thành bể dó, sau đó rút phần khuôn gỗ ở phía trên ra để tháo lớp mành nứa có xơ dó kết lại trên đó. Mành nứa được lật úp ngược lại, điều này cho phép giấy dó ở dưới được xếp chính xác lên chồng giấy trước. Khi đó chiếc mành được nhấc lên theo chuyển động sóng và được xếp lại lên khuôn gỗ và sau đó đóng khuôn gỗ lại. Do cần phải thực hiện một cách khéo léo, làm seo thường do phụ nữ đảm nhận và đòi hỏi phải có đôi tay thành thạo; thao tác này mất khoảng 10 giây và được lặp đi lặp lại với nhịp độ gần như một cái máy. Tờ giấy không được xếp riêng (như dạ phớt ở Châu Âu) mà được đặt trực tiếp lên tờ trước. Giấy được xếp thành từng chồng từ 500 đến 1000 tờ, tức cao khoảng 20cm.

7. Ép giấy

 Giấy seo xong còn ướt xếp chồng lên nhau gọi là uốn.Uốn được đem đi ép cho thật kiệt nước. Chồng giấy ướt trước tiên được lên trên một tấm gỗ và một hòn gạch để ép bớt nước. Sau đó, nó được đưa vào cần ép để ép kiệt nước và làm tăng độ cố kết của giấy. Trước đây, người ta dùng cần ép thô sơ được làm bằng một đoạn gỗ có một đầu gối vào lỗ đục trên tường hay trên một thân cây hoạt động như một cái đòn bẩy trên chồng giấy đồng thời cẩn thận điều khiển để không làm rách các sợi giấy. Ngày nay, máy ép bằng vít được sử dụng để làm công việc này. Giấy càng được ép kiệt nước trước khi đem sấy thì chất lượng giấy càng đồng đều. Chồng giấy khi đó còn lại 50% nước.

8. Sấy khô giấy

 

Uốn được đem đi ép thật kiệt nước rồi lại bóc ra, Từng tờ giấy được phết lên tường lò cách nhau một khoảng sao cho có thể bóc ra sau khi giấy đã được sấy khô. Sau khi giấy khô bóc giấy ra và miết phẳng, xếp lại theo từng loại rồi đem đi tiêu thụ. Giấy dó có nhiều kích thước khác nhau, cỡ lớn nhất là 60 x 80 và nhỏ nhất là 20 x 30. Liên kết mạng của xơ dó làm cho tờ giấy xốp, nhẹ, dai, có độ mềm mại, mầu trắng, hơi mộc và không có vết vàng. Quy trình sản xuất thủ không có độ axít tạo cho giấy tuổi thọ tới 500 năm


Ý kiến của bạn
Họ tên
Thư điện tử
Tiêu đề

Reload Image
Mã bảo mật:

Nội dung
 

Bài viết khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Các văn bản chỉ đạo
Tiện ích

Bình chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của website
  Tốt
  Khá
  Trung bình
  Kém