Văn hóa-xã hội

Miếu giếng Bưởi -nơi phung thờ hai vị phúc thần thời Lý 


       Miếu Giếng Bưởi nằm tọa lạc tại 596 đường Thụy Khuê, nơi có nhiều tuyến đường tỏa ra các hướng, đó là ngã ba đường giao cắt của hai tuyến phố Lạc Long Quân và Thụy Khuê, phía bên tay phải của di tích (cách khoảng gần 100m) lại là nơi giao cắt của các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Bưởi cùng với Hoàng Quốc Việt. Có thể nói, đây là một di tích nằm ở vị trí trung tâm, rất thuận lợi cho việc giao thông đi lại, buôn bán của cư dân. Ngôi miếu này tọa lạc trên thế đất đẹp về mặt phong thủy

Về vị thánh được thờ tại di tích này là hai nhân vật thời Lý, đó là vợ chồng “Ông Dầu, Bà Dầu”. Đó là hai vị phúc thần được nhân dân làng An Thái thờ phụng từ xa xưa và ở vùng đất này vẫn lưu truyền câu chuyện về hai vị thần này như sau: Theo thần tích của làng Bưởi Yên Thái thì ông Dầu bà Dầu chính là vợ chồng Vũ Phục người triều Lý. Cổ tích thắng cảnh Hà Nội của tác giả Doãn Kế Thiện ghi là Lý Nhân Tông (1072 - 1128), Tây Hồ chí chép là triều Lý Thần Tông (1128 - 1138), La Thành cổ tích vịnh lại cho là dưới thời Lý Thái Tông (1028 - 1054), chồng người xứ Ngõ Dầu, hương Minh Bạo, lộ Quốc Oai, làng nghề bán dầu, lấy vợ ở làng Minh Tảo (nay là phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm). Hai vợ chồng, sáng sớm gánh dầu đi bán, chiều tối mới về. Lúc ấy, vua Lý bị đau mắt nặng, thuốc chữa không khỏi, cho quan đến nhà Quỷ Cốc để bói, Quỷ Cốc gieo quẻ nói: Vì nước sông Thiên Phù thúc vào tường thành ở phương Càn (Tây Bắc) nên mắt vua bị tổn thương. Phải trấn yểm thì sông mới cạn và vua mới khỏi bệnh. Nhà vua liền sai quan tắm gội trai giới đến ngã ba sông cầu khấn thần Thổ Địa, thần Hà Bá. Đêm ấy, viên quan mộng thấy thần nhân bảo rằng: “Sáng sớm, hễ thấy người nào đến bến sông này trước nhất thì nên theo ý muốn của người ta mà tiếp đãi một cách đầy đủ rồi quẳng người ấy xuống sông và phong làm thần, lập miếu thờ tự, mới có thể trấn áp được”. Viên quan tỉnh dậy, về triều tâu bày. Vua sai người túc trực ở bến sông. Ngày hôm ấy, trời vừa sáng, vợ chồng Vũ Phục gánh dầu đi tới. Quan quân giữ lại rồi cho người phi ngựa về triều tâu bày. Nhà vua ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Nên theo lời của thần, đem tình thực nói với người ta, không nên ức hiếp”. Bèn sai người đem việc đó nói cho vợ chồng Vũ Phục biết. Vũ Phục khẳng khái nhận lời… Sứ giả hỏi hằng ngày ông bà thích thứ gì hơn cả để sau này cúng tế thì dùng những thứ đó. Người chồng trả lời: “Xôi xéo, thịt bò thui”. Người vợ trả lời: “Cơm nếp, gà mái ghẹ”. Lại hỏi về phẩm vật tráng miệng, người chồng trả lời “Canh đậu”, người vợ trả lời: “Chè kho. Sứ giả liền sai sửa soạn các món ăn đó và bảo nên ăn no. Ăn xong, Vũ Phục ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Vợ, chồng già này bỏ mình nước, trời cao có thấu xin chứng giám cho!”. Liền đó tự gieo mình xuống sông. Lúc ấy là ngày 30 tháng Mười một. Từ đấy dòng sông phẳng lặng, nước lớn rút dần, bệnh tình nhà vua cũng khỏi hẳn. Nhân việc đó, nhà vua đã cho lập miếu thờ hai vị ở làng Yên Thái để cho nhân dân thờ phụng quanh năm.

Truyền thuyết nêu ra còn có nhiều dị bản khác nhau. Có thể phân làm hai tuyến: thần tích và sách Hán cổ cho rằng, vợ chồng Vũ Phục tự nguyện gieo mình xuống sông chết để chữa bệnh cho vua. Còn truyền thuyết hiện lưu hành ở địa phương cho rằng hai vợ chồng ông Dầu bà Dầu bị nhà vua bức tử mà chết. Đó chính là cách lý giải hiện tượng cạn dòng của sông Thiên Phù và Tô Lịch. Chúng đã hé mở phần nào cho chúng ta bước đầu nhận diện tập tục tế “Hiến sinh bằng người” còn di lưu từ thời cổ đại cho đến buổi đầu thời Lý ở nước ta.

Về lễ hội tưởng niệm hai vị thần này, cứ vào ngày 30 tháng Mười một âm lịch hàng năm. Trong lễ hội có một số chi tiết đáng lưu ý, đó là việc trước đây do người vợ nhảy xuống sông trước, người chồng nhảy theo sau nên lúc rước nghinh giá, kiệu vợ đi trước kiệu chồng. Chi tiết thứ hai là 6 ngày sau, em ruột Vũ Phục làm ăn ở xa, được tin báo, chạy về gần đến nơi thì vấp phải rễ cây, ngã vỡ đầu, lăn xuống nước và cũng chết luôn. Cho nên vào ngày lễ hội hàng năm, dân vùng Bưởi lại mang lễ vật theo sở thích của hai vợ chồng lúc còn sống đến cùng tế tại ngôi đền này. Lễ vật được rất là trọng thể, ngoài xôi xéo, thịt bò thui, cơm nếp, gà mái ghẹ, canh đậu, chè kho, còn tế lợn sống rồi đem cắt tiết lấy bốn bát tiết đổ xuống nước nhắc lại trường hợp bị chết của người em…

Di tích miếu giếng Bưởi tuy có quy mô nhỏ hẹp, nhưng nó đã mang trong mình một câu chuyện lịch sử ly kỳ, đó là truyền thống xả thân vì nghĩa của nhân dân ta, đặc biệt là tập tục lễ hội rất cụ thể, đầy ý nghĩa.


Ý kiến của bạn
Họ tên
Thư điện tử
Tiêu đề

Reload Image
Mã bảo mật:

Nội dung
 

Bài viết khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Các văn bản chỉ đạo
Tiện ích

Bình chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của website
  Tốt
  Khá
  Trung bình
  Kém