Văn hóa-xã hội

Người kể chuyện làng 

81 tuổi, ông Nguyễn Phương Khánh vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở làng cổ Đông Xã vùng Kẻ Bưởi (phường Bưởi, quận Tây Hồ), viết các câu chuyện về làng xóm, giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi viết do quận, thành phố tổ chức. Đặc biệt, ông đã giành giải Nhất cuộc thi viết về đề tài dân vận của Quận ủy Tây Hồ năm 2021, giải Khuyến khích viết về công tác mặt trận của thành phố Hà Nội năm 2021, giải Nhất viết về công tác tuyên giáo của quận Tây Hồ năm 2019... Người làng Đông Xã yêu mến gọi ông là “Người kể chuyện làng”.


Ông Nguyễn Phương Khánh (thứ hai từ trái sang) tại sân đình làng Đông Xã, phường Bưởi (quận Tây Hồ).

Lưu truyền các nét đẹp truyền thống

Làng cổ Đông Xã - “làng trong phố”, nay thuộc tổ dân phố số 6, phường Bưởi. Cổng chính của làng nằm trên phố Thụy Khuê, trong làng có rất nhiều ngõ, ngách nhỏ thông ra hồ Tây. Với hệ thống đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ phong phú, ngôi “làng trong phố” này ẩn chứa trong mình biết bao di sản văn hóa truyền thống, những câu chuyện về các dòng họ, về những con người có nhiều đóng góp, gắn bó với dòng chảy cuộc sống sinh hoạt của xóm, làng. Những câu chuyện ấy đã được ông Nguyễn Phương Khánh ghi chép lại cẩn thận, từ chuyện địa thế đất làng, đường làng, cổng làng, giếng làng, cho đến chuyện về các dòng họ, về nghề làm giấy thủ công truyền thống một thời đã đi vào câu ca dao: “Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”…

Nâng niu trên tay tập tài liệu được lưu trữ cẩn thận, với tiêu đề “Kể chuyện làng Đông của tôi”, ông Nguyễn Phương Khánh chia sẻ: “Tôi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, cả đại gia đình đều gắn bó với làng Đông Xã. Tư liệu thì nhiều lắm, nhưng tôi tạm tập hợp hơn 100 mẩu chuyện, ghi chép những chuyện vui, buồn của làng, để mọi người hiểu về truyền thống của làng xóm, về tình làng nghĩa xóm, về những con người luôn có tấm lòng rộng mở, biết nhịn nhường, kìm nén, không để xảy ra những chuyện bất hòa. Tôi cũng mong các thế hệ con cháu hiểu hơn về các lễ hội, giá trị văn hóa, lịch sử của làng, hiểu để sống có lễ nghĩa, biết ơn người đi trước...”.

Những câu chuyện ấy được ghi chép ngắn gọn, giản dị, nhưng rất gần gũi và thấm thía. Chẳng hạn, chuyện “Học để hiểu lịch sử địa phương”, ghi lại cách mà Ban Chăm sóc thiếu nhi và Ban Khuyến học tổ chức cho các cháu nhỏ học lịch sử làng. Trước hết là tóm tắt lịch sử đình Đông Xã, ai là Thành hoàng làng, là tướng của Tản Viên Sơn Thánh, có huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh… Sau đó, các cháu nhỏ được vào tận hậu cung, ngắm bộ long ngai, long bào, mũ miện của Thành hoàng. Hay chuyện các bạn nhỏ được học ở đền Đồng Cổ, được nghe lịch sử của đền, được các vị thủ từ mở cửa cho vào hậu cung chiêm bái chiếc trống đồng được phục chế với đậm đặc hoa văn mang đặc trưng văn hóa dân tộc.

“Nhiều năm làm công tác chăm sóc thiếu nhi và công tác mặt trận, tổ chức rất nhiều hoạt động cho các cháu, tôi thấy việc học lịch sử bằng trực quan sẽ giúp các cháu tiếp thu rất nhanh và các cháu rất thích thú. Tôi mong các thế hệ sau này luôn chú trọng việc tuyên truyền một cách hấp dẫn, sinh động, để lớp trẻ thêm yêu làng xóm, giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng”, ông Nguyễn Phương Khánh chia sẻ.

Làm gương cho con cháu

Gắn bó cả cuộc đời với dòng chảy sinh hoạt của làng Đông Xã, ngay cả khi làm công nhân, cán bộ Đoàn, rồi cán bộ Công đoàn của Nhà máy Thiết bị bưu điện, ông Nguyễn Phương Khánh luôn tích cực tham gia các hoạt động của làng xóm, từ công tác thiếu nhi, thanh niên, văn hóa, văn nghệ, cho đến công tác mặt trận, quản lý di tích.

Ông Khánh kể: “14 tuổi tôi đã được giao làm Liên hội trưởng thiếu nhi của 4 làng cổ ven hồ Tây: Võng Thị, Trích Sài, Đông Xã, Hồ Khẩu. Từ đó trở đi, tôi luôn gắn bó với các hoạt động công tác xã hội của làng xóm, phường Bưởi. Quá trình gắn bó với cơ sở, chịu khó đi, hỏi, đọc, chép, tôi có nhiều tư liệu, có những câu chuyện sát thực và sống động. Tôi ghi, kể lại những câu chuyện ấy, tin rằng sẽ hữu ích cho giới trẻ”.

Nhận xét về ông Nguyễn Phương Khánh, Bí thư Chi bộ 6, phường Bưởi Nguyễn Đăng Hùng cho biết: “Ông Khánh nắm rất rõ chuyện làng, chuyện xóm, hiểu biết về các di tích lịch sử, truyền thống văn hóa của làng. Hoạt động gì ông cũng tham gia tích cực, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo”.

Còn bà Nguyễn Thúy Dung, người có nhiều năm gắn bó với công tác phụ nữ và công tác tổ dân phố bày tỏ: “Không chỉ chăm lo việc làng, ông Khánh còn dày công nghiên cứu tư liệu của các cụ để lại, kiên trì ghi chép, dịch, hiệu chỉnh, xây dựng bảng tộc phả của dòng họ Nguyễn Phương làng Đông Xã. Những câu chuyện kể của ông về phong tục làng Đông Xã, về các dòng họ trong làng… rất quý giá, góp phần giáo dục truyền thống, gìn giữ nếp làng”.

Hiện nay đã 81 tuổi, ông Nguyễn Phương Khánh vẫn không ngừng học tập, là bạn đọc lâu năm và thường xuyên của Thư viện quận Tây Hồ. Ngày ngày, ông vẫn dành thời gian để viết, hệ thống lại các chuyện kể về làng Đông Xã, với tâm niệm: “Có những câu chuyện hay về văn hóa làng, nếp làng, nếu không ghi lại sẽ bị mai một”.


Ý kiến của bạn
Họ tên
Thư điện tử
Tiêu đề

Reload Image
Mã bảo mật:

Nội dung
 

Bài viết khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Các văn bản chỉ đạo
Tiện ích

Bình chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của website
  Tốt
  Khá
  Trung bình
  Kém