Giới Thiệu Chung

Giới thiệu phường Quảng An 

Phường Quảng An là một đơn vị hành chính cấp phường thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội (trước thuộc địa giới hành chính của huyện Từ Liêm). Phường Quảng An nằm ở phía đông của hồ Tây.

Địa Lý Hành Chính

 

Phường Quảng An là một đơn vị hành chính cấp phường thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội (trước thuộc địa giới hành chính của huyện Từ Liêm). Phường Quảng An nằm ở phía đông của Hồ Tây. 
-Phía Bắc và Đông Bắc giáp phường Nhật Tân.
-Phía Đông giáp phường Tứ Liên.
-Phía Đông
Nam giáp phường Yên Phụ và Hồ Tây.
-Phía Tây - Tây Bắc - Tây
Nam giáp Hồ Tây.

Các đường, phố chính thuộc phường Quảng An: 
-Đường Âu Cơ, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Tô Ngọc Vân.
-Phố Quảng An, Quảng Bá, Quảng Khánh, Từ Hoa.

Tên xã Quảng An được đặt từ ngày 11/12/1955, gồm bốn thôn Quảng Bá, Tây Hồ, Nghi Tàm, An Dương thuộc Quận 5. Quảng An lấy chữ đầu tiên thôn Quảng Bá và chữ đần thôn An Dương ghép lại mà thành. Đến năm 1961, thông An Dương nhập vào quận Ba Đình, xã Quảng An còn lại ba thôn Quảng An, Tây Hồ, Nghi Tàm thuộc huyện Từ Liêm. Tháng 10/1995, quận Tây Hồ được thành lập, xã Quảng An trờ thành phường của quận Tây Hồ với 545 ha tự nhiên, trong đó có 35,5 ha đất nông nghiệp, 157 ha mặt nước Hồ Tây. 
 

 

 

Sản vật địa phương, Nghề truyền thống

 

Làng Nghi Tàm, không chỉ có nghề trồng dâu, nuôi tằm mà từ xưa còn có nghề đánh cá. Thời Lý, đây là trại tằm nổi tiếng lớn cung cấp tơ sống cho các phường quanh Hồ Tây dệt lụa, dệt gấm. Thời Trần, Nghi Tàm có tên là phường Tích Ma, vì nơi đây có nghề xe gai, đan lưới, đánh cá. Trước năm 1945, dân làng dùng sợi gai, tơ tằm làm các loại lưới, te, xiếc,... và những dụng cụ đánh bắt cá khác.Người Nghi Tàm ít đánh chài mà thường thả lưới. Nhà thơ Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn, trong bài phú "Tụng Tây Hồ" đã viết thật sinh động:

 

"Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng  

Lưới Nghi Tàm ngăn ngon nước quanh co"

 

Làng Tây Hồ, xưa có nghề xe chỉ, nhuộm thâm. Chẳng thế mà người dân Nghi Tàm đặt họ xe sợi gai đan lưới đánh cá:

 

"Kim Thằng Quỷ, chỉ Tây Hồ   

Ai yêu thì lấy, chẳng về lấy ai"

 

Ngoài nghề đánh cá, dân làn còn có nghề trồng sen làm cho cảnh trí Hồ Tây đã đẹp lại càng đẹp thêm: 

 

"Đấy vàng đây cũng đồng đen  

Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ"

 

Hình ảnh có liên quan

 

Với đầm sen mênh mông, một số gia đình ở Quảng Bá có nghề ướp chè sen; đến nay, chỉ còn mươi hộ làm nghề truyền thống này. Làng Quảng Bá xưa sống bằng nghề trồng rau, hoa, ngô, khoai,... ngoài bãi, trong đồng lúa hai vụ. Ngoài ra, dân làng Quảng Bá còn theo nghề quăng chài. Quằng chài trên Hồ Tây và các vùng hồ lân cận là công việc nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức khỏe và kỹ thuật.

 

Hình ảnh có liên quan

 

Đặc sản xưa của Quảng Bá phải kể đến ổi. Ổi mọc thành vườn ven đê, ven làng. Ổi ở đây nhiều và ngon nổi tiếng: 

 

"Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây 

Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người" 

 

Kết quả hình ảnh cho quất cảnh quảng bá

 

Rất tiếc, trải qua bao biến thiên của lịch sử, nghề đánh bắt cá, trồng dâu, nuôi tằm của các làng không còn; ổi Quảng Bá cũng không còn. Các đầm sen Tây Hồ, Quảng Bá cò lại rất ít. Người Quảng An chuyển sang trồng các loại cây cảnh, quất cảnh, bon sai, nuôi cá cảnh,... cung cấp cho thành phố hàng trăm loài hoa, cây cảnh.  

 

Lịch sử văn hóa

 

Quảng An không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp mà còn là mảnh đất lịch sử văn hóa lâu đời. Đến nay, Quảng An còn lưu giữ được những di tích danh thắng nổi tiếng:  

 

Hình ảnh có liên quan

 

Chùa Kim Liên: ngôi chùa tọa lạc trên bãi Ngư Đại, một gò đất cao của làng Nghi Tàm. Người dân địa phương vẫn gọi là gò Hành Cung hay Gò Cung. Đây là nơi vua Lý Thánh Tông đã cho xây cung Quan Ngư (nơi xem cá). Sau đó Công chúa Từ Hoa (con gái vua Lý Thánh Tông) xin mở trại tằm tang rồi dựng cung Từ Hoa. Cuối thời Trần, nhân dân đã dựng chùa Đống Long trên nền cung Từ Hoa. THời Lê, chùa được đổi tên là chùa Đại Bi. Đi đến năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770) đổi thành chùa Kim Liên.

 

Đình Nghi Tàm: nằm trên doi đất phía nam chùa Kim Liên, cách chùa khoảng vài trăm mét. Thời Lê, công chúa Quỳnh Hoa (con gái ông Trần Vĩ làm quan triều vua Lê Thánh Tông) có chồng tên là Liễu Nghị đỗ tiến sĩ. Sau khi đánh giặc Chiêm Thành thắng lợi, ông được bổ làm quan phủ Phụng Thiên, nên bà được mời vào cung dạy cung nữ. Sau đó, ông bà về ở làng Nghi Tàm, ông dạy học, bà đưa cung nữ ra cùng dân chăn tằm, kéo tơ, dệt lụa, nên được dân gọi là "Bà chúa nghề tằm"; tôn bà làm Thành hoàng và thờ ở đình làng. Triều đình còn sắc phong cho bà "Thượng đẳng phúc thần, ái quốc đồng lưu Quỳnh Hoa phu nhân". Đình còn phối thờ 5 vị thần, trong đó có 4 vị thủy thần Hồ Tây đước các triêu vua phong là Thượng đẳng tối linh thần: Minh Khiết Dực thành thần, Triều Đình Phù quốc thần, Bao Trung Cương đoán thần, Hoàng Hiệp Tây hồ thủy thần và Lỗ Quốc Thái sư thần.

 

Chùa Tây Hồ: chùa có tên là Phổ Linh Tự, được xây dựng năm 1097 đời Lý Nhân Tông, trùng tu vào đời Lê Thánh Tông. Chùa có tấm bia lớn cao 1m, rộng 0,7m là Phổ Linh tự bi, dựng vào năm Vĩnh Tộ thứ 4 (1621). Văn bia do tiến sĩ Đỗ Lại Dần soạn: "Phường Tây Hồ có chùa Phổ Linh là nơi thắng cảnh, có Sông Nhĩ bao quanh". Ngoài ra còn hai tấm bia dựng năm 1697 và 1699 và ba quảng chuông đúc thời Tây Sơn. Khoảng đầu thế kỷ XVII, chùa được trùng tu với quy mô to lớn như ngày nay. hoàn thành vào năm 1620. Tiếp đó, gác chuông cao to được dựng lên sau khi bị đổ. Nay chuông được treo ở tam bảo, chuông cao 1,5m và có đường kính rộng 1m đúc năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1785).

 

Đình Tây Hồ: đình được xây dựng khá lâu, kiể kiến trúc chữ Đinh, đã được tu sửa nhiều lần. Đình nguyên là ngôi miếu ở cánh đồng Phủ thờ trông ra xóm Cột Vôi, sau này miếu bị đổ nát, dân làng chuyển vào dựng thành ngôi đình hiện nay. Xưa do kiêng húy, người Tây Hồ gọi đình "Điềng".  

 

Hình ảnh có liên quan

 

Phủ Tây Hồ: phủ tọa lạc trên doi đất hình Kim Quy, có thế long chầu, hổ phục, thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, người được các triều đại phong là "Linh Mẫu Quốc Mẫu chế thắng hoa diệc Đại Vương mã hoàng bồ tát". Nơi đây đã hình thành câu chuyện huyền thoại giữa Trạng Bùng và Công chúa Liễu Hạnh. Đôi câu đối trong Phủ ghi rõ tài danh của Bà "Thơ họa Tây Hồ, thần nữ vang lừng ba bẩy cõi; Danh truyền Nam xứ, dấu tiên rực rỡ mấy ngàn thu".

 

Chùa Quảng Bá: tên chữ đầu tiên của chùa là Long Ân Tự. Tương truyền chùa được xây dựng vào thời Lý, do Thiền sư Ngô An (1019 - 1088) người làng khởi lập. Đến cuối đời Lê, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), chùa được xây dựng lại có quy mô lớn. Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú, con gái Đoan Quốc Công Thái tổ Gia dụ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng, vợ của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1623 - 1657) cho xây dựng lại theo quy mô lớn. Năm Minh Mạng thứ 2, chùa đổi tên là Sùng Ân Tự. Đời vua Thiệu Trị, vua ngự giá thăm chùa, sau đó năm 1842, Bộ lễ xét thấy tên Sùng Ân Tự trùng với tên lăng của vua nên xin đổi là Hoằng Ân Tự.

 

Đình Quảng Bá: đình được dụng trên nền của ngôi đền thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Trước đó, đình được xây trên gò Con Xà, gần trước của chùa Quảng Bá, đến thời Lê được chuyển về địa điểm hiện nay. Ghi nhớ công lao của Đại vương, dân làng Quảng Bá tôn thờ ông làm Thành hoàng làng.

 

Giáo Dục, Y tế

 

Phường Quảng An có 03 trường học công lập, trong đó: Trường Tiểu học Quảng An và trường THCS Quảng An là trường chuẩn Quốc gia mức độ I, trường Mầm non Quảng An là trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Trên địa bàn phường còn có nhiều trường tư thục khác. 

Trạm Y tế phường Quảng An là trạm y tế chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2020.

 


Bài viết khác
- Đảng ủy phường (Ngày đăng:09-06-2018)
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Các văn bản chỉ đạo
Bình chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của website
  Tốt
  Khá
  Trung bình
  Kém

Các chuyên mục