Tìm kiếm
Liên kết website
Hình ảnh Tứ Liên
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến:
2
Truy cập trong ngày:
9
Tổng số truy cập:
254.810
Các chuyên mục
Văn Hóa - Xã Hội

Một số vấn đề về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng 

1. Quá trình hình thành, phát triển chính sách ưu đãi người có công với các mạng Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với các chủ trương, chính sách xây dựng chính quyền nhân dân, Đảng, Bác Hồ và Chính phủ đã ban hành sắc lệnh thể hiện ý chí chính trị của chính quyền mới; trong đó, văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ngày 16/2/1947, sau đó được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12/10/1948 qui định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng “tử sĩ”, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ. Đồng thời, để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn ngày 27/7/1947 - Ngày Thương binh toàn quốc, sau này là Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

1. Quá trình hình thành, phát triển chính sách ưu đãi người có công với các mạng 
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)
Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với các chủ trương, chính sách xây dựng chính quyền nhân dân, Đảng, Bác Hồ và Chính phủ đã ban hành sắc lệnh thể hiện ý chí chính trị của chính quyền mới; trong đó, văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ngày 16/2/1947, sau đó được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12/10/1948 qui định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng “tử sĩ”, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ  “tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ. Đồng thời, để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn ngày 27/7/1947 - Ngày Thương binh toàn quốc, sau này là Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong thời kỳ này được ghi nhận bằng trợ cấp, phụ cấp theo mức; đặc biệt là hình thức chi trả bằng tiền theo quý (tam cá nguyệt) hoặc trả trợ cấp bằng gạo. Thương binh, bệnh binh vì lý do sức khỏe được nuôi dưỡng, điều dưỡng tại các trại an dưỡng (an dưỡng đường) hoặc các trường lớp dạy nghề. Thân nhân của “tử sĩ” (liệt sĩ) được chi trả trợ cấp hàng tháng...
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)
Trong thời kỳ này, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Ngày 27/7/1956, Phủ Thủ tướng ban hành Nghị định số 980-TTg quy định Điều lệ ưu đãi thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, ưu đãi gia đình liệt sĩ và gia đình quân nhân; ngày 30/10/1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 161-CP quy định Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; quân nhân dự bị và dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự. 
Theo đó, chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ đã được bổ sung, sửa đổi nhiều điểm hết sức cơ bản, như: qui định điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng và chế độ phụ cấp thương tật (thay thế chế độ hưu bổng thương tật) đối với thương binh, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật; qui định chế độ tuất một lần và trợ cấp khó khăn cho gia đình liệt sĩ. Định nghĩa “liệt sĩ” thay cho “tử sĩ”; qui định bổ sung chế độ ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp...; qui định về cất bốc, qui tập mộ liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. 
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ 1975 đến nay)
Giai đoạn 1975 - 1986: Để giải quyết kịp thời hậu quả chiến tranh, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã từng bước hoàn thiện và được quy định bằng hệ thống văn bản pháp qui. Ngày 18/9/1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 236/HĐBT qui định bổ sung, sửa đổi về đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp ưu đãi và qui định thống nhất thực hiện chính sách ưu đãi trong phạm vi cả nước. Theo đó, tiêu chuẩn xác nhận được mở rộng, chế độ ưu đãi đối với người có công đã được cải thiện. Tuy nhiên, do nền kinh tế nước ta có nhiều biến động, cả nước bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đời sống nhân dân và đối tượng người có công gặp nhiều khó khăn.
Thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay: Đây là thời kỳ nền kinh tế đất nước có bước phát triển mới, đòi hỏi nhiều vấn đề về chính sách xã hội cần được quan tâm giải quyết. Hiến pháp năm 1992 đã xác định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Nguyên tắc này đã được thể chế bằng Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (năm 1994), do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Đây là một bước tiến mới trong việc pháp điển hoá pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, là sự kế thừa, chọn lọc và phát triển những bài học của hơn nửa thế kỷ qua. Sau 10 năm thực hiện và qua 03 lần sửa đổi, bổ sung; ngày 29/06/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 thay thế Pháp lệnh năm 1994, trong đó đã mở rộng đối tượng, bổ sung người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trở thành một trong 12 diện đối tượng người có công với cách mạng. 
Để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, ngày 16/7/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13). Theo đó, đối tượng được mở rộng; điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đã cơ bản hoàn thiện và phù hợp thực tiễn; các chế độ ưu đãi được nâng lên, nội dung ưu đãi được luật pháp hoá và trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống (trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục - đào tạo, việc làm, ruộng đất, tín dụng, thuế...); quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Một số vấn đề rút ra từ quá trình hình thành và phát triển chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
Thứ nhất, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng luôn được coi là mục tiêu, là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị; tổ chức đoàn thể và nhân dân. Tư tưởng đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt; là một nội dung chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta trong các thời kỳ cách mạng.
Thứ hai, hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cần phải pháp luật hóa đồng bộ, toàn diện, được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện kịp thời cùng với sự phát triển của hệ thống chính sách xã hội.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng phải gắn liền với tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, phù hợp với khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ.
Thứ tư, Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội, quan tâm cùng chăm lo, giúp đỡ gia đình người có công. Đồng thời, phát huy và luôn tạo điều kiện để đối tượng chính sách nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. 
2. Quan niệm chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
Từ thực tiễn thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, có thể quan niệm: “Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một bộ phận đặc thù của chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta; là tổng thể các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật và kết quả hoạt động thực tiễn ưu tiên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và gia đình họ, nhằm không ngừng nâng cao đời sống người có công, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Quan niệm trên chỉ rõ các vấn đề sau:
- Mục đích của chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nhằm tôn vinh, ghi nhận sự cống hiến, hy sinh, góp phần chăm sóc, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng, tạo sự ổn định chính trị, phát triển xã hội; đồng thời, là sự thể hiện chủ nghĩa nhân đạo cao đẹp, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
- Vị trí, vai trò của chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta. 
- Chủ thể thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là Đảng, Nhà nước. Theo đó, Đảng đề ra quan điểm, chủ trương lãnh đạo; Nhà nước quy định về chế độ, chính sách; các bộ, ban, ngành theo phạm vi, chức năng hướng dẫn thực hiện; cấp ủy, chính quyền các địa phương vừa là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở địa phương. 
- Lực lượng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, là các cấp, các ngành; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương. 
- Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật; thân nhân người có công với cách mạng (Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con người có công với cách mạng; người nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ); các đối tượng khác: Người thừa kế của liệt sĩ; người được giao thờ cúng liệt sĩ; người phục vụ theo quy định; người tổ chức mai táng khi người có công với cách mạng chết.  
- Nội dung chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quy định bằng chủ trương, quan điểm, thông qua các nghị quyết, chỉ thị và bằng các quy định của pháp luật mang tính toàn diện, thông qua các chế độ trợ cấp, phụ cấp; y tế, giáo dục - đào tạo, việc làm, tín dụng, đất đai, nhà ở; ưu đãi về tinh thần và một số chế độ ưu đãi khác.
- Mức ưu đãi đối với người có công với cách mạng được xác định dựa trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân toàn xã hội, mặt bằng đời sống của đại bộ phận nhân dân, khả năng đáp ứng của nền kinh tế và nhu cầu phát triển của xã hội (mức chuẩn).
 - Tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là quá trình hoạt động của các chủ thể, lực lượng nhằm hiện thực hóa nội dung chính sách một cách hiệu quả. Theo đó, theo phạm vi và chức năng (chức trách), các tổ chức, cá nhân nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung của chính sách; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng và nhân dân; chuẩn bị đẩy đủ các nguồn lực và tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, dân chủ, công khai, công bằng; phân công trách nhiệm cụ thể; tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện, phòng ngừa và xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
- Quản lý Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, là quá trình tổ chức, điều hành hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhằm thực hiện tốt trách nhiệm của Nhà nước trong việc đãi ngộ, ưu tiên đặc biệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần đối với người có công với cách mạng;
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ; các bộ, ban, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng; Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng trong phạm vi địa phương mình; cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng tại địa phương.
- Nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện thông qua hai nguồn lực chính, đó là: nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Theo đó, ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công chủ yếu bằng hình thức trợ cấp, phụ cấp, bảo hiểm y tế và các chế độ ưu đãi khác (chu cấp trang thiết bị, điều dưỡng, nhà ở, ưu đãi giáo dục, công tác mộ, nghĩa trang, việc làm, vay vốn…). Ngoài ngân sách Trung ương, các địa phương bố trí thêm kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Cùng với nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội hóa thông qua các hoạt động vận động các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm, xây tặng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng…góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. 
3. Quan điểm của Đảng về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng 
Tổ quốc và nhân dân Việt Nam đời đời vinh danh, ghi nhớ công lao những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 
Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang do Đảng ta lãnh đạo, để có được ngày hôm nay, hàng triệu người con ưu tú của nhân dân đã cống hiến, hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Ghi nhận và tôn vinh những công lao đóng góp to lớn đó, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Trong thư gửi Ban tổ chức Ngày thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”. 
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Quan điểm nhất quán đó được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V: “Đảng, Nhà nước và nhân dân đời đời ghi nhớ công lao các liệt sĩ, thương binh…”. Chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được ban hành, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công với cách mạng.
Quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và gia đình họ là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV xác định: “Săn sóc và giúp đỡ chu đáo anh, chị, em thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là một nhiệm vụ to lớn của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể, của các ngành, các cấp và của toàn dân;…Tận tình săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ, các chính sách chế độ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ phải được thực hiện đầy đủ…”. Quan điểm, chủ trương của Đảng là cơ sở để thể chế hóa, phát triển toàn diện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng về bề sộng và chiều sâu; xác định, tập hợp vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành; động viên các nguồn lực, kết hợp pháp luật hóa và xã hội hóa, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng
Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, Đảng ta đã khẳng định: “Chăm sóc tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên” . Việc kết hợp chặt chẽ giữa bố trí ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hoá các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua các phong trào, các cuộc vận động; đồng thời, tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. 
Cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, khẳng định “thực hiện tốt hơn nữa công tác người có công với cách mạng; phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”. Đó là phương hướng, mục tiêu cần tập trung thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian tới.        
Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính; không để xảy ra sai sót, tiêu cực; xử lý nghiêm túc các sai phạm trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
Tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực ưu đãi người có công, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện và quản lý chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong việc xác nhận người có công; tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách. 
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách; kịp thời kiến nghị với cấp uỷ và cơ quan nhà nước các cấp giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng.
4. Một số đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng  
(1) Tiếp tục làm tốt công tác quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; trên cơ sở đó thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
(2) Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; trước mắt, tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi (thay thế) Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng toàn diện, đồng bộ;  khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, vừa kịp thời bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; hạn chế đến mức thấp nhất sự chồng chéo, mâu thuẫn về chế độ, chính sách và cơ chế, chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và của các cơ quan trong tổ chức thực hiện chính sách. Theo đó, cần chú trọng làm tốt một số nội dung sau:
- Tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện về chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (năm 2005); tổ chức hội thảo khoa học; dân chủ, rộng rãi; lấy ý kiến tham gia, góp ý của các cơ quan và tầng lớp nhân dân.
- Về khái niệm người có công với cách mạng: Nghiên cứu đề xuất làm rõ khái niệm người có công với cách mạng, cụ thể về tiêu chí xác định người có công (mức độ cống hiến, đóng góp, hy sinh…), phân biệt rõ người có công với các đối tượng khác, làm rõ phạm vi xác nhận người có công về không gian, thời gian, quốc tịch. 
- Về đối tượng người có công: Theo quy định tại Pháp lệnh hiện hành, có 12 diện đối tượng người có công là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 bị đối phương bắt, giam giữ vào nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày” (theo quy định hiện hành mới chỉ áp dụng thực hiện đối với người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày).
- Về điều kiện, tiêu chuẩn: Nghiên cứu cụ thể hóa điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với từng thời kỳ cách mạng (thời kỳ kháng chiến; thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc); đề xuất bổ sung số đối tượng có cùng đặc điểm, nhiệm vụ mà Pháp lệnh hiện hành chưa quy định hoặc giảm bớt một số điều kiện, tiêu chuẩn, nếu hiện nay không còn phù hợp với thực tế; quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng; làm rõ ranh giới giữa người được công nhận người có công và người không được công nhận người có công.
- Về chế độ, chính sách: Tiếp tục nghiên cứu, cải cách chính sách ưu đãi người có công theo hướng nâng mức trợ cấp, phụ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực của đất nước hiện nay; đồng thời, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng và thân nhân của họ, hướng tới mục tiêu “100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”.
(3) Không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công; đẩy mạnh công tác quản lý hành chính gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng người có công ở các đơn vị, địa phương.
(4) Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; tiếp tục nghiên cứu đề xuất xã hội hóa sâu rộng, đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” bằng nhiều nội dung, chương trình hoạt động và cách làm sáng tạo, thiết thực.
(5) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kết rút kinh nghiệm, bảo đảm không để sai sót, tiêu cực; kiên quyết xử lý sai phạm trong việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng./.


Ý kiến của bạn
Họ tên
Thư điện tử
Tiêu đề

Reload Image
Mã bảo mật:

Nội dung
 

Bài viết khác
Đăng nhập
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Các văn bản chỉ đạo
Tiện ích

 

Bình chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của website
  Tốt
  Khá
  Trung bình
  Kém

Các chuyên mục