Giới Thiệu Chung

Giới thiệu phường 


Phường Yên Phụ nằm giữa sông Hồng (ở phía đông) và Hồ Tây (ở phía tây). Địa giới hành chính phường Yên Phụ như sau:

 

Phía bắc giáp phường Tứ Liên.
Phía tây giáp phường Quảng An.
Phía tây nam giáp phường Thụy Khuê.
Phía nam giáp phường Trúc Bạch (quận Ba Đình).
Phía đông nam giáp phường Phúc Xá (quận Ba Đình).
Phía đông giáp phường Ngọc Thụy (quận Long Biên).

Phường Yên Phụ trước đây là làng Yên Phụ. Làng Yên Phụ tên gốc là Yên Hoa, vốn là một bộ phận hợp thành phường Yên Hoa thuộc huyện Quảng Đức, Kinh đô Thăng Long thời Lê. Đầu thế kỷ 19, làng thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức; đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) thuộc tỉnh Hà Nội. Năm đầu đời vua Thiệu Trị (1841), vì kỵ huý bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua) nên làng phải đổi tên thành Yên Phụ.

Năm 1915, làng thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1942 lại đổi lại thành Đại lý đặc biệt Hà Nội). Từ năm 1981 là một phường của quận Ba Đình. Sau khi thành lập quận Tây Hồ từ một số phường thuộc quận Ba Đình và xã thuộc huyện Từ Liêm, phường Yên Phụ thuộc quận Tây Hồ.

Tại phường Yên Phụ có Khách sạn Thắng Lợi là một trong những khách sạn đầu tiên của Hà Nội, do Cuba giúp đỡ xây dựng, nằm ở ven Hồ Tây và địa thế đẹp. Ô Yên Phụ thuộc làng cũng là một trong năm cửa ô nổi tiếng hồi xưa .

Làng Yên Phụ là một ngôi làng cổ ở trên bán đảo nhô ra Hồ Tây, trước đây ngoài nghề trồng hoa, nuôi cá cảnh, làng còn có nghề làm hương đốt với lịch sử rất lâu đời.

 

 

 

Cổng làng Yên Phụ

 

Yên Phụ nằm ven Hồ Tây, tiếp giáp với sông Hồng, lại là một phường của Kinh đô Thăng Long, nên từ xa xưa dân làng sống bằng nghề đánh cá, nuôi cá cảnh, buôn bán và đánh cá. Xa xưa, dân làng còn trồng dâu nuôi tằm trên vùng đất bãi. Đê Yên Phụ chính là đường Yên Phụ dài 1472 mét từ ô Yên Phụ (đầu dốc đường Thanh Niên) đến phố Hàng Đậu hiện nay.

Là một làng nằm trong khu vực có nghề trồng hoa tại Thăng Long - Hà Nội, bao gồm cả địa bàn các xã Quảng Bá, Nghi Tàm, Phú Thượng, Quảng An và Nhật Tân, làng Yên Phụ ngoài trồng hoa, nuôi cá cảnh còn nổi tiếng với nghề làm hương. Theo các tư liệu cổ và lời các bậc lão niên kể lại[6] thì nghề làm hương ở đây do một người Trung Hoa mang tới từ thế kỷ 13 và dạy cho dân làng.

Là cửa ngõ phía Bắc của kinh thành Thăng Long xưa, với cửa ô Yên Hoa, sau đổi thành ô Yên Phụ, là nơi mà đào Nhật Tân, quất Nghi Tàm, hoa Tứ Tống v.v. phải vượt qua để vào Hà Nội[7], hương của Yên Phụ không chỉ nổi tiếng khắp kinh kỳ mà còn cả đất Bắc[8]. Cùng với hoa Nhật Tân, hương Yên Phụ trở thành một trong những những vật phẩm tinh thần đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người Việt tại kinh thành Thăng Long một thời.

Danh nhân văn hóa

Bùi Thế Vinh (1554 - ?) đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Diên Thành đời Mạc Mậu Hợp (năm 1580), làm quan đến chức Tự Khanh, về sau quy thuận nhà Lê.
Ngô Đăng Quang đỗ Cử nhân khoa Tân Mão đời Vua Minh Mạng (1831)

Đình Yên Phụ

 

 

Đình làng Yên Phụ

 

Đình Yên Phụ (Tây Hồ) là di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp nhà nước từ năm 1986, là ngôi đình duy nhất ở Hà Nội được xây dựng vào khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ 17. Đình xây theo kiểu chữ Đinh với đại bái dọc, không theo kiểu chuôi vồ (ngang) như các đình khác. Trong đình còn giữ được chiếc kiệu sơn son thiếp vàng lộng lẫy, cổ kính, đặc biệt tấm bia khắc thời Lê Gia Tông (1672-1675) ghi rõ đình thờ Thành hoàng là Uy Linh Lang và hai em gọi là Vương Đôi, Vương Ba. Ba vị đều là con của Hoàng hậu Minh Đức đời Trần [9]. Mấy trăm năm, ngôi đình to lớn đứng trên thế đất đẹp của một bán đảo ven Hồ Tây, lưng đình quay ra phía sóng nước, vị trí này thuộc địa dư làng Yên Phụ xưa. Năm 2003, đình được tiến hành tôn tạo lại. 

 

 

 

Chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây

 

Chùa Trấn Quốc còn có các tên gốc là : Khai Quốc, An Trì, An Quốc, tương truyền được xây từ đầu thời Đinh. Lúc đầu, chùa được dựng ngoài bãi Yên Hoa, đến năm Hoằng Định thứ 16 (1615), do bãi sông bị lở nên chùa chuyển vào gò Kim Ngư (Cá Vàng) như hiện nay và đổi tên thành chùa Trấn Quốc, đã qua nhiều lần tu bổ. Đến tháng Hai năm Nhâm Dần (1842), trong chuyến Bắc tuần, Vua Thiệu Trị ngự chơi chùa Trấn Quốc, đổi tên thành chùa Trấn Bắc, cấp cho 200 quan tiền. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, di văn quý như bia Trấn Quốc tự bi ký tạo năm Dương Hoà thứ năm (1639) do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn, nói về việc di chuyển chùa, thơ đề của nhà thơ - danh sĩ Phạm Quý Thích...

Hàng năm hội đình Yên phụ được tổ chức vào ngày 10 thánh 2 âm lịch và được đánh giá là giữ được nề nếp hội đình của Hà Nội.

Hội đình cũng có sự tham gia của nhân dân các địa phương xung quanh hồ Tây như Nghi Tàm, Tứ Liên, Nhật Tân... Đặc biệt có đoàn kết chạ từ làng Thanh Cù (tên nôm là làng Gò), nay thuộc xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (nơi có Gò Đống Mối tương truyền là mộ Uy Linh Lang) về dự .

Từ ngày 9/2 dân làng làm lễ mộc dục (tắm tượng), là tổ chức rước kiệu từ đình sang chùa Trấn Quốc lấy nước thanh tịnh về đình để tắm tượng. Ngày xưa rước kiệu đi lấy nước theo con đường mòn nhỏ, hai bên là nước, đoàn kiệu đi giống như chìm trong sóng nước. Ngày nay đoàn kiệu đi trên con đường rội rãi thênh thang tám thước, vượt dốc phố Yên Phụ qua đường Thanh Niên tới chùa Trấn Quốc. Kiệu rước do 4 thanh niên khoẻ mạnh, mặc áo dài, có dải, có tua mạng khênh. Hai kiệu đại khác do 16 thanh niên cường tráng, khoẻ mạnh mặc áo trắng, quần trắng, giầy trắng, đai đỏ, đai xanh khênh. Đi sau đoàn kiệu là đội múa sinh tiền và các vị chức sắc bô lão trong làng ...

Sau khi lấy nước thanh tịnh từ chùa Trấn Quốc rước về, hội tổ chức lễ bái ban mộc dục. Ngoài sân đình tưng bừng nhịp trống lễ hội với cảnh hát chèo, đánh cờ người, chọi gà, chọi chim ...

Làng Yên Phụ là địa danh, là hứng sáng tác truyện Anh phải sống của Khái Hưng và Nhất Linh 

Trong ca dao, thơ ca:

Hỡi cô đội nón ba tầm

Cô về Yên Phụ phiên rằm lại sang

Phiên rằm chợ chính Yên Quang

Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua

 

 Admin


Bài viết khác
Bình chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của website
  Tốt
  Khá
  Trung bình
  Kém

Các chuyên mục
Hình ảnh phường Yên Phụ